Hướng dẫn cách sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật cơ bản

Với một nhà đầu tư theo phương pháp phân tích kỹ thuật, việc phân tích và sử dụng thành thạo các công cụ chỉ báo, biểu đồ là điều tối quan trọng. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về 4 công cụ kỹ thuật cơ bản nhất giúp bạn có thể làm chủ quá trình giao dịch của mình.

Tiếp cận

Kể từ khi phương pháp phân tích kỹ thuật hiện đại ra đời và được áp dụng rộng rãi như ngày nay, đã có hàng trăm chỉ báo được phát hiện với mục đích hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình giao dịch. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải biết hết và sử dụng tất cả những công cụ này mà chỉ cần nắm được 4 chỉ báo cơ bản nhưng mang lại hiệu quả cao dưới đây.

I/ Biểu đồ nến Nhật

Nến Nhật (candlestick) được phát minh bởi Munehisa Homma - một thương nhân người Nhật vào thế kỷ 18. Ban đầu, nó được dùng để ghi chép diễn biến giá gạo nhưng nhờ tính ứng dụng cao trong việc phân tích, nến Nhật ngày càng sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là chứng khoán.

Cấu trúc của nến Nhật

Mỗi cây nến Nhật cơ bản sẽ có 2 phần là thân nến và bóng nến. Cụ thể:

Thân nến: Cho biết mức giá đóng cửa (close) và giá mở cửa (open) của tài sản trong một khoảng thời gian nhất định. Thân nến sẽ có màu xanh hoặc trắng nếu nến tăng (giá đóng cửa lớn hơn giá mở cửa) và có màu đỏ (hoặc đen) nếu nến giảm (giá đóng cửa nhỏ hơn giá mở cửa). Thân nến càng dài cho thấy giá đóng cửa và giá mở cửa chênh lệch càng lớn. Điều này cho thấy giao dịch khá sôi động và 1 phe đang áp đảo phe còn lại.

Bóng nến (râu nến): Cho biết giá cao nhất (highest) và thấp nhất (lowest). Bóng nến có thể có hoặc không. Trường hợp chỉ có thân mà không có bóng, điều này nghĩa là giá đóng cửa/giá mở cửa chính là giá cao nhất trong khoảng thời gian xem xét. 

So với biểu đồ dạng đường (line chart) hay dạng thanh (bar chart), biểu đồ nến Nhật cung cấp nhiều thông tin về diễn biến giá hơn. Các mức giá mở cửa, đóng cửa, cao nhất và thấp nhất có thể giúp nhà đầu tư đánh giá hướng đi và diễn biến của thị trường, đặc biệt là tín hiệu đảo chiều.

Một số mẫu hình nến Nhật điển hình

Tùy theo diễn biến giá trên thị trường mà một cây nến Nhật có thể mang những hình dáng khác nhau ví dụ như không có thân nến hay bóng nến, thân nến nằm hoàn toàn phía trên, nằm hoàn toàn phía dưới... Nến Nhật cũng có thể là nến đơn hoặc nến đôi, nến ba. Và như đã nói, hình dáng nến có thể giúp nhà đầu tư có thể nhận biết những tín hiệu đảo chiều quan trọng. 

a)Các mô hình nến đảo chiều tăng giá 

Điểm chung của mô hình nến đảo chiều giá tăng là thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm. Do đó, chúng có thể dự báo xu hướng giảm giá sắp kết thúc và giá sẽ tăng trở lại. Bao gồm các dạng nến với những đặc điểm nhận dạng sau:

  • Dragonfly Doji: Không có bóng nến trên, thân nến rất ngắn, bóng nến dưới dài.
  • Nến Bullish Engulfing gồm 2 cây nến: cây thứ nhất là nến giảm (nến đỏ hoặc đen) và cây thứ 2 là nến tăng (nến xanh hoặc trắng). Thân nến tăng che phủ toàn bộ phần thân nến giảm.
  • Nến Hammer (nến búa): Thân nến rất ngắn, bóng nến dưới dài hơn nhiều so với thân nến.
  • Mô hình nến Morning Star (sao mai): Gồm 3 nến, trong đó nến thứ nhất giảm sâu, nến thứ hai là nến Doji tăng hoặc giảm và nến thứ ba nến tăng cao.
  • Nến búa ngược Inverted Hammer: Thân ngắn, bóng trên dài, bóng dưới ngắn.
b) Mô hình nến đảo chiều giảm giá

Ngược với mô hình đảo chiều tăng giá, các mô hình nến đảo chiều giảm giá thường xuất hiện cuối xu hướng tăng để báo hiệu thị trường sắp đảo chiều theo hướng đi xuống. 

  • Nến Shooting star: Thân nến ngắn, không có bóng nến dưới hoặc bóng rất ngắn. Trong khi đó, bóng trên khá dài, thường gấp 2 – 3 lần thân nến.
  • Gravestone Doji: Không có thân nến, bóng trên dài.
  • Nến đôi Tweezer Top: Cây nến thứ nhất là nến tăng, bóng nến trên dài, thân ngắn. Cây nến thứ hai là nến giảm, bóng nến trên dài.
  • Nến đôi Bearish Engulfing: Nến đầu tiên là cây nến tăng, nến thứ hai là cây nến giảm, có thân che phủ cây nến đầu tiên.
  • Mô hình nến Evening Star: Gồm bộ 3 nến, trong đó nến đầu là nến tăng, nến thứ hai không có thân nến hoặc thân rất nhỏ còn nến thứ ba là nến giảm.

II/ Đường trung bình động MA

Đường trung bình động MA - Moving Average được hiểu là trung bình cộng của chuỗi giá trong một khoảng thời gian nhất định. Đường MA là một chỉ báo chậm, giúp nhà đầu tư có thể nhận biết xu hướng giá đang tăng hay giảm. 

Phân loại các đường MA

Có 3 đường MA, bao gồm:

  • Đường SMA (hay Simple Moving Average) - đường trung bình động đơn giản, được tính bằng trung bình cộng các mức giá đóng cửa trong một khoảng thời gian giao dịch nhất định.
  • Đường EMA (hay Exponential Moving Average) là đường trung bình lũy thừa, được tính bằng công thức hàm mũ. Do đặt nặng các biến động giá gần nhất nên EMA khá nhạy cảm với các biến động ngắn hạn.
  • Đường WMA (hay Weighted Moving Average) là đường trung bình tỉ trọng tuyến tính. WMA chú trọng tới các bước giá có khối lượng giao dịch lớn, quan tâm đến yếu tố chất lượng của dòng tiền.

Các đường MA ngắn hạn thường lấy các mốc phổ biến như 10, 20 ngày, trung hạn là 50 ngày và 100 hoặc 200 ngày đối với dài hạn. 

Cách dùng đường trung bình động MA

Ưu điểm của SMA là cho thấy xu hướng trung bình giá trong dài hạn. Song đây cũng chính là nhược điểm của nó bởi tín hiệu mà SMA cung cấp thường đi sau thị trường. Trong khi đó, EMA sẽ phản ứng những biến động nhanh hơn SMA. Tuy nhiên, vì quá nhạy cảm nên EMA cũng có thể đưa ra các tín hiệu giả, không chính xác. Đường WMA có tác dụng hiển thị sự biến động giá rõ nét hơn đường SMA và EMA. Nếu chênh lệch giá giữa các phiên là lớn thì dùng WMA hiệu quả hơn đường SMA. 

Mỗi đường MA đều có những lợi thế và hạn chế nhất định, vậy nên nhà đầu tư nên kết hợp chúng một cách khéo léo. Chẳng hạn, bạn có thể dùng SMA với khoảng thời gian dài để tìm xu hướng bao quát, sau đó sử dụng đường EMA, WMA với khoảng thời gian ngắn để xác định thời điểm tốt để giao dịch. 

Ngoài chức năng chính là dự báo xu hướng, đường trung động còn có thể cung cấp tín hiệu mua/bán. Nếu đường ngắn hạn vượt lên đường dài hạn có thể dự báo xu hướng tăng dài hạn, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua. Ngược lại, nếu đường ngắn hạn đi xuống dưới đường dài hạn có thể dự báo xu hướng giảm, nhà đầu tư cân nhắc bán.

III/ Chỉ báo động lượng

Nhóm chỉ báo động lượng (momentum) cho thấy sự chuyển động giá tăng hoặc giảm theo thời gian và lực của những chuyển động đó. Chúng cũng đặc biệt hữu ích vì có thể giúp nhà đầu tư phát hiện ra các điểm mà thị trường có thể sẽ đảo chiều. 

Trong số các chỉ báo động lượng hiện nay, RSI và MACD Histogram là phổ biến hơn cả.

Chỉ số sức mạnh tương đối RSI

RSI (Relative Strength Index) là một chỉ báo động lượng dùng để đo lường mức độ thay đổi giá, từ đó đánh giá các điều kiện quá mua (Overbought) hoặc quá bán (Oversold). Chỉ báo này do J. Welles Wilder Jr. phát hiện ra và được giới thiệu trong cuốn sách “Các khái niệm mới trong Hệ thống Thương mại Kỹ thuật.” (New Concepts in Technical Trading Systems), xuất bản năm 1978. 


Công thức tính RSI

RSI là một đồ thị được di chuyển giữa hai điểm cực trị là 0 và 100. Để tính RSI, nhà đầu tư áp dụng công thức sau:

RSI = 100 – 100/ (1+RS)

Trong đó:

  • RS là sức mạnh tương đối, có giá trị RS = AG/AL
  • AG (Average Gain) là trung bình tổng số kỳ tăng trong một quãng thời gian nhất định
  • AL (Average Loss) là trung bình tổng số kỳ giảm trong một quãng thời gian nhất định

Ứng dụng RSI

Dựa vào giá trị RSI, nhà đầu tư có thể nhận biết các tín hiệu sau: 

  • RSI ở giữa mức 30 - 70 là vùng trung tính. Nếu RSI = 50 là dấu hiệu không có xu hướng.
  • Tình trạng quá mua khi RSI >70 và tiến gần đến 100. Điều này chứng tỏ giá đang trong xu hướng tăng và cũng là tín hiệu dự báo thị trường giảm trong tương lai.
  • Tình trạng quá bán khi RSI < 30 và tiến gần về 0: Điều này cho thấy xu hướng giá đang giảm và cũng là tín hiệu dự báo thị trường sẽ tăng lại trong tương lai.
  • Phân kỳ RSI (Divergence). Nếu là phân kỳ RSI Bullish thì giá đang trong xu hướng giảm và đường RSI tăng là dấu hiệu của sự tăng giá mạnh. Ngược lại, nếu là phân kỳ RSI Bearish thì giá đang có xu hướng răng và đường RSI đang giảm, tín hiệu giá tương lai sẽ giảm mạnh.

MACD Histogram

Đây là một dạng biểu đồ đo lường khoảng cách giữa đường MACD (Moving Average Convergence Divergence - Đường Phân kỳ Hội tụ trung bình động) và  đường tín hiệu của nó. 


Cấu tạo của MACD Histogram

MACD Histogram gồm 3 thành phần chính: đường MACD, đường Signal (tín hiệu) và phần Histogram. Trong đó:

Đường MACD = EMA 12 – EMA 26 (EMA 12, EMA 26 là các đường trung bình động theo lũy thừa của chu kỳ 12 ngày và 16 ngày).

Đường tín hiệu của MACD = Đường EMA 9 (EMA 9 là đường trung bình động theo lũy thừa của chu kỳ 9 ngày).

Histogram = MACD – đường tín hiệu.

Lưu ý: Đường MACD và Histogram có thể mang giá trị âm hoặc dương.

Cách dùng MACD Histogram

MACD Histogram là một chỉ báo trễ có tác dụng kép: vừa nhận dạng xu hướng, vừa xác định được lực của xu hướng. 

Khi đường MACD và đường Signal cắt nhau

  • Thị trường trong xu hướng tăng nếu đường MACD nằm trên đường tín hiệu (phân kỳ dương).
  • Thị trường đang trong xu hướng giảm nếu đường MACD nằm dưới đường tín hiệu (phân kỳ âm).

Đường MACD chuyển từ âm sang dương và ngược lại

  • Đường MACD phân kỳ âm lao xuống dưới mức 0 là tín hiệu cho thấy xu hướng giảm đang mạnh lên.
  • Đường MACD phân kỳ dương vượt lên trên mức 0 là tín hiệu cho thấy xu hướng tăng đang mạnh lên.

Histogram chuyển từ âm sang dương và ngược lại

  • Histogram chuyển từ âm sang dương, thị trường có xu hướng tăng điểm. 
  • Histogram chuyển từ dương sang âm, thị trường đang trong xu hướng giảm điểm.

Kết hợp MACD với khung thời gian

Nguyên tắc chung: xác định xu hướng ở khung lớn trước, tiếp đến căn cứ vào các khung nhỏ hơn để tìm kiếm điểm vào lệnh. 

Cách xác định xu hướng kết hợp đa khung thời gian đơn giản nhất là ứng dụng lý thuyết Dow. Cụ thể, xu hướng tăng sẽ luôn tạo ra các đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, còn đáy sau cao hơn đáy trước. Ngược lại, xu thế giảm sẽ tạo ra các đỉnh và các đáy thấp hơn.

IV/ Mối quan hệ giữa giá và khối lượng giao dịch

Một trong những nguyên lý cơ bản của phân tích kỹ thuật là giá cả phản ánh quy luật cung cầu. Giá sẽ tăng khi cầu lớn hơn cung và giảm khi cung lớn hơn cầu. Trong thực tế, tương quan giữa giá và khối lượng giao dịch có thể xảy ra các trường hợp sau.

Giá và khối lượng cùng tăng hoặc cùng giảm

  • Giá và khối lượng cùng tăng thì đây là dấu hiệu cho thấy thị trường đang trong giai đoạn sôi động, mua bán nhiều. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể tiềm ẩn rủi ro đảo chiều bởi hiện tượng phân phối đỉnh của nhà đầu tư lớn.
  • Giá và khối lượng cùng giảm cho thấy thị trường “u ám”, người mua và người bán ít. Đây có thế là lúc giá chờ đợi dòng tiền vào thị trường để chuyển mình.

Giá và khối lượng ngược chiều xu hướng

  • Giá giảm nhưng khối lượng tăng: Điều này cho thấy dòng tiền có xu hướng tham gia bắt đáy nhiều hơn, có thể báo hiệu chỉ số sắp hồi phục.
  • Giá tăng nhưng khối lượng giảm: Lực mua giảm dần, nhà đầu tư chuyển sang trạng thái nghi ngờ hoặc xem xét phản ứng thị trường. Nếu sau đó giá bứt phá khỏi vùng tích lũy với khối lượng giao dịch lớn thì có thể báo hiệu thị trường sắp bước vào một đợt tăng hoặc giảm giá mới.

Với 4 công cụ phân tích kỹ thuật cơ bản trên đây, nhà đầu tư có thể phân tích được xu hướng thị trường, tìm được thời điểm giao dịch thích hợp. Song cần lưu ý là các công cụ chỉ mang tính tương đối chính xác. Do đó, để nâng cao hiệu quả phân tích, nhà đầu tư nên kết hợp chúng với nhau hoặc tham khảo thêm các chỉ báo kỹ thuật khác.

onus là gì

    Đăng kí ngay để nhận 5 usdt +100k  


    Đăng nhận xét

    0 Nhận xét

    Zalo Chat

    Đăng kí nhận 200k